Đưa tác phẩm đoạt giải cao đến với công chúng

VHO- Cuối tuần qua, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã công diễn suất đầu tiên vở Câu hò đất mẹ, tác phẩm đoạt giải A của Hội Sân khấu TP.HCM năm 2022, khắc họa hình tượng nghệ thuật của hai chiến sĩ cộng sản Nguyễn Thị Minh Khai và Lê Hồng Phong thời trẻ. Rạp hát chật kín khán giả và những tràng pháo tay kéo dài đã cho thấy vở diễn thật sự thành công khi chạm tới trái tim khán giả...

Đưa tác phẩm đoạt giải cao đến với công chúng - Anh 1

 Vở cải lương “Câu hò đất mẹ” trên sân khấu rạp Hưng Đạo, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang

 Câu hò đất mẹ của tác giả Nguyễn Thanh Bình; chuyển thể cải lương Phạm Văn Đằng; đạo diễn NSƯT Lê Trung Thảo; chỉ đạo nghệ thuật NSƯT Phan Quốc Kiệt, quy tụ sự tham gia biểu diễn của những gương mặt cải lương được yêu mến như NSƯT Lê Tứ, NSƯT Lê Hồng Thắm, NSƯT Lam Tuyền, NS Hà Như, Hồng Quyên, Hoài Nam…

Xúc động hình tượng những anh hùng dân tộc

Vở diễn được khai thác từ những tình cảm thiêng liêng, sâu lắng, lãng mạn nhưng cũng đầy những khoảnh khắc gay cấn và ác liệt của hai chiến sĩ cộng sản ưu tú Nguyễn Thị Minh Khai và Lê Hồng Phong, đại diện cho lớp trí thức trẻ thời ấy, khi đứng trước ranh giới sinh tử… Về cơ bản, tác phẩm vẫn trung thành với nguyên mẫu hình tượng các nhân vật lịch sử, nhưng thành công của tác phẩm nằm ở việc xây dựng tâm lý nhân vật, với những tình cảm thiêng liêng, sâu lắng và lãng mạn nhất trong mỗi con người. Nguyễn Thị Minh Khai bị thực dân Pháp kết án tử hình khi mới 31 tuổi. Trước giờ thi hành án, chị nhớ quê hương, nhớ mẹ, nhớ đứa con bé bỏng sớm phải rời bầu sữa để mẹ đi làm cách mạng. Chị nhớ chồng, cũng là người đồng chí, người chỉ huy - anh Lê Hồng Phong - tình yêu thương đôi lứa quyện hòa với tình yêu đất nước, quê hương; nhớ đồng đội vì lý tưởng cách mạng đã cùng sẻ chia gian khổ, hy sinh…

Đảm nhận vai Lê Hồng Phong, NSƯT Lê Tứ đã thể hiện hoàn hảo nét mạnh mẽ, tinh thần quật cường, kiên trung, đồng thời bên vợ - người đồng đội Nguyễn Thị Minh Khai, khán giả lại thấy được một Lê Hồng Phong ngọt ngào, quan tâm vợ con hết mực. Phân đoạn lấy nhiều cảm xúc của khán giả có lẽ là lúc nhân vật Lê Hồng Phong kìm nén nỗi đau khi tận mắt chứng kiến vợ mình bị tra tấn dã man. NSƯT Lê Tứ thể hiện nội tâm giằng xé, kiềm chế trong sự uất nghẹn để khán giả cảm nhận được nỗi đau của nhân vật. Trước đó, anh cũng đảm nhận vai chú Sáu (Thủ tướng Võ Văn Kiệt) trong vở Thành phố buổi bình minh vô cùng xuất sắc.

Trong vai Nguyễn Thị Minh Khai, NSƯT Lê Hồng Thắm đã xây dựng nên hình tượng một nữ chiến sĩ cách mạng hội đủ tâm, tài, đức. Nữ nghệ sĩ liên tục chuyển biến tâm lý, từ một du học sinh sang trọng, năng động đến một người vợ dịu dàng, hiền thục bên chồng con, đến đoạn phải rứt ruột trao con thơ còn quá nhỏ dại để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, những phân đoạn dài ở đầu vở khi tâm sự cùng mẹ, lúc này người nữ chiến sĩ cách mạng trở về với tuổi thơ trong vòng tay mẹ để được nghe câu hò, điệu hát quê hương, là động lực lớn nhất giúp người chiến sĩ cách mạng chấp nhận hy sinh tình cảm riêng tư để đổi lấy độc lập, tự do cho đất nước…

Có thể nói, đề tài chiến tranh cách mạng luôn là thử thách đối với người làm sân khấu, bởi tác phẩm phải vừa khắc họa hình ảnh những tượng đài lịch sử, vừa chuyển tải thông điệp đến người xem qua ngôn ngữ nghệ thuật là điều không dễ dàng. Câu hò đất mẹ được kể lại bằng ngôn ngữ sân khấu Cải lương đã thể hiện được sự sáng tạo, tinh tế và đặc biệt là rất dung dị, gần gũi với đời sống của những khán giả hôm nay…

Để tác phẩm đoạt giải không “cất ngăn kéo”

Lâu nay, nhiều tác phẩm nghệ thuật khi sáng tác dự thi, thậm chí đã đoạt các giải cao tại liên hoan, hội thi, khi trở về thì “bặt vô âm tính”, chỉ có thể… cất vào ngăn kéo vì đề tài khô khan, chưa thu hút khán giả. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị hạn chế về kinh phí nên khó đầu tư, dàn dựng để đưa đến công chúng. NSƯT Lê Trung Thảo chia sẻ, khi dựng Câu hò đất mẹ, anh không nhấn nhiều về yếu tố cách mạng, mà chú trọng tô đậm tính cách và tình cảm giữa những nhân vật. Họ cũng là những con người bình thường, lớn lên trong bối cảnh đất nước bị xâm lược mà trở nên phi thường, chấp nhận hy sinh vì nghĩa lớn… “Tôi mong khán giả sẽ đồng cảm với nhân vật, cảm nhận được cái đẹp, cái tinh tế của Cải lương chứ không chỉ gói gọn trong thông điệp tuyên truyền về lịch sử”, nam đạo diễn bày tỏ.

Ông Phan Quốc Kiệt, Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang cho biết thêm, sau Câu hò đất mẹ, Nhà hát đang lên kế hoạch chọn tác phẩm để lần lượt biểu diễn trở lại những vở đã đầu tư và dự thi trước đây. Tín hiệu đáng mừng là Câu hò đất mẹ đã đến với khán giả qua kênh bán vé. Nhiều bạn trẻ đã đặt mua vé để xem vở diễn. Giá vé trong đợt công diễn lần này từ 200 - 500 nghìn đồng, trong đó, mức 200 nghìn là ưu tiên cho học sinh, sinh viên. “Trong thời gian tới, chúng tôi dự kiến dựng các vở đa dạng màu sắc tâm lý xã hội. Nhà hát cũng đã làm việc với các trường học để đưa sinh viên đến xem, tạo thêm hiệu ứng lan tỏa giá trị nghệ thuật truyền thống đến với công chúng trẻ”, ông Phan Quốc Kiệt chia sẻ.

Được biết, Sở VHTT và Hội Sân khấu TP.HCM đang triển khai chương trình quảng bá những tác phẩm sân khấu đạt chất lượng cao đến công chúng. Năm 2022, cả nước đã diễn ra nhiều cuộc thi, liên hoan nghệ thuật sân khấu quy mô toàn quốc ở nhiều loại hình nghệ thuật. Trong số hàng trăm tác phẩm tham dự, có 3 tác phẩm đoạt giải xuất sắc, 27 tác phẩm đoạt HCV và 32 tác phẩm HCB. Giới nghề nhận định, nếu các tác phẩm này có kế hoạch đẩy mạnh công diễn phục vụ cộng đồng sẽ tạo sức sống mới cho sàn diễn cả nước.

Thực tế cho thấy, nhiều sáng tác trong thời gian gần đây đã tiếp cận khá tốt các chủ đề về đời sống đương đại, nâng cao giá trị thẩm mỹ với đa dạng góc nhìn và hình thức thể hiện, tạo ra những hiệu ứng tích cực trong việc nêu cao tinh thần yêu nước, khuyến khích lối sống tích cực cho cộng đồng. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, không có nhiều tác phẩm được đầu tư dàn dựng để biểu diễn, bán vé phục vụ công chúng. Các sân khấu vẫn đang khát những cơ chế, cách thức hỗ trợ phù hợp để có thể “sáng đèn”. 

 THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc